VICEM Bút Sơn nỗ lực vượt khó, chủ động thích ứng tình hình mới

Cập nhật: 7/12/2023 1:55:00 PM

Nỗ lực vượt khó

Những năm gần đây, kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động, dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá đầu vào của nguyên liệu sản xuất, xăng dầu, cước vận tải tăng cao, đặc biệt là giá than làm chất đốt cho nhà máy tăng cao một cách đột ngột. Tiếp đến là lạm phát, biến động tỷ giá, sức mua trên thị trường giảm mạnh, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp… Những vấn đề này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của ngành xi măng trong đó có VICEM Bút Sơn.

Tuy nhiên, trước những khó khăn, Công ty đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, trong đó, chú trọng việc đổi với, áp dụng các sáng kiến trong sản xuất, tiết kiệm thấp nhất các chi phí không cần thiết, giảm tối đa chi phí phát sinh vận hành sản xuất. Chủ động được nguồn năng lượng nhất định trong sản xuất, giảm phát thải ra môi trường; phù hợp với chiến lược phát triển của toàn hệ thống VICEM. Đồng thời, tìm kiếm đối tác uy tín ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ để duy trì sản xuất ổn định qua giai đoạn khó khăn tới.

Đơn cử như năm 2022, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn và thách thức của thị trường tiêu thụ xi măng, cùng với những ảnh hưởng lớn từ thị trường bất động sản trong nước, nhưng sản lượng tiêu thụ của VICEM Bút Sơn vẫn đạt được những con số rất ấn tượng. Tổng Sản lượng tiêu thụ ước đạt 3,472 tr tấn. Trong đó xi măng ước đạt trên 3,150 triệu tấn; clinker đạt trên 322nghìn tấn.

Để đạt được những thành công đó, ngoài sự quyết tâm, nỗ lực, cùng sự đoàn kết của tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên của VICEM Bút Sơn, còn có sự đồng hành, đóng góp rất to lớn của đối tác, khách hàng chiến lược, các Nhà phân phối tiêu thụ xi măng VICEM Bút Sơn.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng, Công ty CP Xi măng VICEM Bút Sơn: Những năm gần đây, đặc biệt là năm 2022, Công ty CP Xi măng VICEM Bút Sơn là doanh nghiệp tiên phong trong nghiên cứu, sáng tạo áp dụng hiệu quả công nghệ về triển khai Chương trình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh bền vững. Việc thay thế dần nhiên liệu hóa thạch và nguyên liệu thô bằng các sản phẩm từ chất thải là hướng đi đang được lựa chọn.

Trên cơ sở đó, Vicem Bút Sơn đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học trong quá trình sản xuất, chủ động tự nghiên cứu, xây dựng hệ thống dây chuyền xử lý rác thải tích hợp trong sản xuất clinker. Hệ thống xử lý rác thải hoàn thành từ sự kết tinh trí tuệ của đội ngũ kỹ thuật nhà máy với thiết kế "Made in Việt Nam" và 100% thiết bị được chế tạo trong nước.

Cụ thể, từ năm 2020, VICEM Bút Sơn bắt đầu thực hiện xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và bùn thải, tro xỉ làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng. Công ty đã xây dựng hệ thống dây chuyền xử lý rác thải gắn liền với quá trình sản xuất xi măng theo phương pháp đồng xử lý chất thải tại lò nung clinker với các điểm cấp chất thải làm nhiên liệu thay thế ở vòi đốt lò nung và buồng phân hủy calciner. Đến nay, tỷ lệ rác thải thay thế đạt gần 30%, bùn thay thế đạt gần 5%, vượt xa so với mục tiêu ban đầu đề ra.

Tiếp đến, đầu năm 2022, sau khi được sự chấp thuận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chấp thuận của UBND tỉnh Hà Nam, VICEM Bút Sơn thử nghiệm vận hành đồng xử lý chất thải nguy hại, khối lượng xử lý tăng thêm 1.400 tấn chất thải nguy hại/tháng. Chất thải nguy hại được xử lý bao gồm: Bùn thải nguy hại, các loại đất đá thải có nhiễm thành phần nguy hại, giẻ lau dính dầu, nhựa vụn dính dầu, chất hấp thụ, vật liệu lọc giẻ lau; dầu thải, nhũ tương thải, sơn, vecni thải... với hệ thống xử lý rác thải công nghiệp tự động với 100% thiết bị được chế tạo trong nước.

Hiện VICEM Bút Sơn đang đẩy mạnh triển khai với mục tiêu đạt tỷ lệ thay thế nhiệt lên đến 40-50%, sử dụng chất thải đa dạng, nâng cao tỷ lệ sử dụng bùn thải kết hợp đồng xử lý chất thải nguy hại, đẩy mạnh sử dụng tro xỉ, thạch cao nhân tạo.

Một trong những niềm tự hào là ngay từ năm 2017, VICEM Bút Sơn đã tiên phong đi đầu trong việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường online vào hoạt động.

Ban lãnh đạo công ty cũng luôn tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về BVMT cho người lao động; tích cực sử dụng các nguồn nguyên liệu hợp lý kết hợp với các giải pháp BVMT, hướng tới xây dựng nhà máy xi măng xanh - sạch - đẹp. Chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống máy móc thiết bị, lắp đặt thêm các lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi tay áo, hệ thống phân tích khí, cải tiến thay mới vòi đốt, thuê chuyên gia nước ngoài đưa ra các giải pháp công nghệ. Đầu tư các thiết bị chuyên dụng, như: xe hút bụi, xe quét rác; trồng cây xanh khu vực xung quanh nhà máy; khu vực Cảng Bút Sơn hạn chế phát tán bụi trong quá trình xuất, nhập vật tư hàng hóa. Thực hiện tốt các quy định về thu gom và xử lý rác thải; thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn trong khai thác đá vôi đá sét, tránh ảnh hưởng đến môi trường và cộng đồng dân cư xung quanh; phục hồi môi trường tại các khu mỏ đã khai thác theo đúng quy định…

Để phát triển toàn diện, bền vững, VICEM Bút Sơn còn đặc biệt chú trọng việc phát triển sản xuất kinh doanh gắn với an sinh xã hội, không chỉ thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đảm bảo đời sống, việc làm, các chế độ đãi ngộ cho người lao động trong Công ty, mà còn thể hiện tính nhân văn, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", giúp đỡ về vật chất, động viên tinh thần cho các đối tượng chính sách, khó khăn ngoài xã hội.

Nhiều năm qua, Công ty đã tích cực tham gia với các đơn vị trong VICEM thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ, xóa nhà tranh vách đất tại các huyện nghèo trên toàn quốc. Hàng năm, VICEM Bút Sơn dành hàng tỷ đồng để thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng, tri ân các đối tượng chính sách; xây nhà tình nghĩa; ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ chất độc da cam, quỹ đền ơn đáp nghĩa; ủng hộ đồng bào bị thiên tai; học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; hỗ trợ lo Tết cho người nghèo; chung tay xây dựng nông thôn mới…

Tiết kiệm điện năng chia sẻ khó khăn

Trong các đợt nắng nóng kéo dài vừa qua, đã khiến mực nước các hồ thủy điện trong cả nước xuống thấp kỷ lục. Để chia sẻ khó khăn với ngành điện, Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn đã chủ động dừng một dây chuyền sản xuất để bảo dưỡng. Cùng với đó, thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm điện, như: tăng thời gian chạy máy vào giờ thấp điểm, nâng cao hệ số cosphi để nâng cao năng suất, chất lượng điện năng, tránh ảnh hưởng đến dao động của lưới, điều chỉnh lại thời gian đóng cắt điện các thiết bị tự động và cắt điện những khu vực không quan trọng, giảm công suất chiếu sáng…

Ông Nguyễn Hà Phong, Phó trưởng phòng Kỹ thuật (Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn) cho biết, bên cạnh việc tính toán, áp dụng tối đa các giải pháp tiết kiệm điện năng, Vicem Bút Sơn đã thực hiện điều chỉnh các sản phẩm xi măng nhằm tối ưu hóa sản xuất để tránh chạy thiết bị không tải. Công ty phối hợp chặt chẽ với Công ty Điện lực Hà Nam sẵn sàng tiết giảm phụ tải khi có yêu cầu. Những ngày nắng nóng vừa qua có thời điểm đơn vị tiết giảm trên 40% công suất điện.

Đánh giá của ngành điện năm 2022, công suất sử dụng điện lớn nhất ghi nhận được khi không tiết giảm trên địa bàn tỉnh Hà Nam đạt 650,6MW vào ngày 22/6/2022. Năm 2023, với mức độ tăng trưởng công suất dự kiến là 10% so với năm 2022, theo đó, công suất sử dụng điện lớn nhất dự kiến sẽ là 711,4MW. Để bảo đảm vận hành lưới điện hè năm 2023 được an toàn, trong thời gian cao điểm từ 11h00 - 16h00 và từ 20h00 - 24h00, dự kiến sẽ phải tiết giảm với các mức 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% công suất đỉnh (Pmax dự kiến) tương ứng là 35MW, 71MW, 106 MW, 142 MW, 177MW và 213 MW.

Theo đó, trường hợp tiết giảm 5% và 10% công suất, Công ty Điện lực Hà Nam làm việc với các khách hàng sản xuất xi măng (trong đó có VICEM Bút Sơn) thực hiện điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện tương ứng là 35MW và 71MW. Trường hợp tiết giảm 15%, các nhà máy sản xuất xi măng tiết giảm tổng công suất là 75MW; các điện lực trực thuộc Công ty Điện lực Hà Nam tiết giảm 31MW. Trường hợp tiết giảm 20% công suất, các nhà máy sản xuất xi măng tiết giảm tổng công suất 75MW; các điện lực trực thuộc Công ty Điện lực Hà Nam tiết giảm 67MW. Trường hợp tiết giảm 25% công suất, các nhà máy sản xuất xi măng tiết giảm tổng công suất 75MW; các điện lực trực thuộc Công ty Điện lực Hà Nam tiết giảm 102MW. Trường hợp tiết giảm 30% công suất, các nhà máy sản xuất xi măng tiết giảm tổng công suất 75MW; các điện lực trực thuộc Công ty Điện lực Hà Nam tiết giảm 138MW bao gồm các khách hàng khai thác, chế biến đá và vật liệu xây dựng; khách hàng công nghiệp không quan trọng khác.

congnghiepmoitruong.vn

 

 

tin cũ hơn